CHÍNH PHỦ
********
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********
Số: 93/1998/NĐ-CP Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH 

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 93/1998/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 1998 VỀ VIỆC SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ BẢO HIỂM XÃ HỘI BAN HÀNH KÈM
THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/CP NGÀY 26 THÁNG 1 NĂM 1995 CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 27 như sau:

Đối với người lao động hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp hơn theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 26 thì cách tính lương hưu như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27, nhưng cứ mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi so với quy định tại các khoản 1, 2 Điều 25 thì giảm đi 1% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. 

Riêng đối với người lao động nam đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên, có nguyện vọng về hưu thì được hưởng lương hưu như cách tính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27, nhưng mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi không phải giảm 1% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

2. Bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 29 một đoạn như sau:

Riêng đối với người đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo các mức tiền lương thuộc công việc nặng nhọc, độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại đủ 15 năm trở lên mà chuyển sang làm công việc khác đóng bảo hiểm xã hội theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định có mức lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy các mức lương cấp bậc của 5 năm liền kề làm công việc nặng nhọc, độc hại để tính mức bình quân làm cơ sở tính hưởng lương hưu.

3. Bổ sung Điều 36a như sau:

Thời gian người lao động nữ nghỉ việc trước và sau khi sinh con theo quy định được tính là thời gian được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Trong thời gian nghỉ này, lao động nữ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội, khoản này do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Không tính lại chế độ cho các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 5. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

  Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)             

Xem thêm: 
Quyết định số 902/QĐ-BHXH quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc 
Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 về Điều lệ Bảo hiểm xã hội 
Nghị định số 07/CP ngày 20/1/1995

Hãy LIKE page và tham gia Group Facebook để cập nhật tin tức về BHXH: 

Page Diễn đàn Bảo hiểm xã hội - Group Diễn đàn Bảo hiểm xã hội