CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 1995 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 07/CP NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 1995 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh xã hội,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Nghị định này quy định chi tiết việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các Điều 18, 134, 184 và các điều khoản khác có liên quan được quy định trong Bộ Luật lao động.
Điều 2.- Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học- kỹ thuật giữa Việt Nam với nước ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của nhau.
Điều 3.-
1/ Người được phép đi làm việc ở nước ngoài phải là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ công dân theo pháp luật và tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm những người có nghề (kể cả chuyên gia) và chưa có nghề, học sinh tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trong và ngoài nước; người làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể xã hội không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này.
2/ Những đối tượng sau đây không thuộc diện đưa đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định này.
- Công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước;
- Sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân;
- Người làm việc trong một số ngành nghề mà theo quy định của Nhà nước thì không đi làm việc ở nước ngoài;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành hình phạt, người chưa được xoá án.
3/ Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật và hợp tác đào tạo với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế, đi làm việc cho các tổ chức phi kinh tế ở nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.
Điều 4.-
1/ Người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các hình thức sau: Hợp đồng cung ứng lao động; hợp đồng sử dụng chuyên gia; hợp đồng lao động vừa học vừa làm; hợp đồng nhận thầu công trình, nhận khoán khối lượng công việc, hợp tác sản xuất chia sản phẩm; hợp đồng liên doanh giữa tổ chức kinh tế Việt Nam với tổ chức kinh tế hoặc cá nhân ở nước ngoài; hợp đồng lao động giữa người lao động với tổ chức kinh tế hoặc cá nhân ở nước ngoài.
2/ Các hợp đồng trên được ký kết trên cơ sở pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Điều 5.- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép cho các tổ chức kinh tế có đủ điều kiện quy đinh tại Điều 8 của Nghị định này đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Chương 2:
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 6.- Người lao động có quyền:
1/ Được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về việc làm, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc và điều kiện sinh hoạt, tiền lương và tiền thưởng, bảo hiểm và những thông tin cần thiết khác trước khi ký hợp đồng lao động;
2/ Được hưởng các quyền lợi ghi trong hợp đồng đã ký kết và các văn bản khác có liên quan mà Việt Nam và nước sở tại đã thoả thuận;
3/ Được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ các quyền và lợi ích chính đáng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế;
4/ Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chính sách, chế độ khác có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam;
5/ Được mang ra nước ngoài hoặc đưa về nước những công cụ làm việc cần thiết của cá nhân, được chuyển thu nhập bằng ngoại tệ và tài sản cá nhân về nước theo các Hiệp định, hợp đồng đã ký với bên nước ngoài theo Pháp luật hiện hành của Việt Nam và nước sở tại;
6/ Có quyền khiếu nại với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và nước sở tại về những vi phạm hợp đồng của bên sử dụng lao động hoặc tổ chức kinh tế đưa người lao động Việt Nam đi làm có thời hạn ở nước ngoài làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của bản thân;
7/ Được cấp sổ lao động, sổ lương và sổ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 7.- Người lao động có nghĩa vụ:
1/ Ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với tổ chức kinh tế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ký hợp đồng với bên sử dụng lao động ở nước ngoài (nếu có); chấp hành đầy đủ các điều khoản đã ký trong hợp đồng;
2/ Nộp phí dịch vụ cho tổ chức kinh tế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ Việt Nam;
3/ Nộp cho các tổ chức kinh tế đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài một khoản tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Mức và thể thức đặt cọc do người lao động và tổ chức kinh tế thoả thuận, nhưng không quá số tiền một lượt vé máy bay từ Việt Nam tới nước sở tại;
4/ Nộp tiền bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ Việt Nam thông qua tổ chức kinh tế đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
5/ Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật;
6/ Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do bản thân vi phạm các hợp đồng lao động đã ký và các quan hệ tài sản khác của cá nhân theo pháp luật của Việt Nam và của nước sở tại;
7/ Giữ gìn bí mật quốc gia và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước Việt Nam về quản lý công dân Việt Nam ở nước ngoài, chịu sự quản lý của tổ chức kinh tế đưa người lao động có thời hạn ở nước ngoài;
8/ Tuân thủ pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán và có quan hệ tốt với nhân dân nước sở tại.
Chương 3:
TỔ CHỨC KINH TẾ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 8.- Các tổ chức kinh tế có đủ điều kiện sau đây được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét và cấp giấy phép hoạt động về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:
1/ Doanh nghiệp Nhà nước có vốn lưu động từ 1 tỷ đồng trở lên;
2/ Am hiểu thị trường lao động, pháp luật lao động, luật nhập cư của nước nhận lao động và pháp luật quốc tế có liên quan;
3/ Bộ máy và đội ngũ cán bộ có năng lực quản lý và ngoại ngữ.
Điều 9.- Quyền hạn của các tổ chức kinh tế đã được cấp giấy phép hoạt động quy định tại Điều 8 Nghị định này:
1/ Chủ động tìm kiếm và khảo sát thị trường lao động, lựa chọn hình thức hợp đồng và ký kết các hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức kinh tế và của người lao động;
2/ Trực tiếp tổ chức và bồi dưỡng, đào tạo và tuyển chọn lao động phù hợp với các yêu cầu của bên sử dụng lao động theo đúng quy định của Pháp luật Việt Nam;
3/ Được thu của người lao động phí dịch vụ theo khoản 2, Điều 7 của Nghị định này;
4/ Bảo quản tiền đặt cọc theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này và trả lại người lao động khi họ chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm cả tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn quy định cho từng thời gian của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
5/ Được yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại do họ vi phạm hợp đồng gây ra;
6/ Được phép mang ra nước ngoài và mang về nước các máy móc, thiết bị sản xuất cần thiết có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đã ký kết với bên nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại.
Điều 10.- Trách nhiệm của các tổ chức kinh tế đã được cấp giấy phép hoạt động quy đinh tại Điều 8 Nghị định này:
1/ Xin giấy phép thực hiện hợp đồng theo các Điều 12 và 13 của Nghị định này;
2/ Thực hiện đúng các hợp đồng đã ký với các bên nước ngoài;
3/ Ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với người lao động;
4/ Thực hiện đầy đủ các quyền lợi đối với người lao động theo các điều khoản của hợp đồng đã ký kết với bên nước ngoài;
5/ Thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động để nộp cho Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ Việt Nam;
6/ Tuyển chọn, đưa đi, đưa về, quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
7/ Bảo quản và xác nhận vào sổ lao động, sổ lương và sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của Pháp luật Việt Nam;
8/ Nộp thuế theo luật định đối với hoạt động có liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và chấp hành đầy đủ các chính sách, chế độ về quản lý tài chính, về quản lý và sử dụng ngoại tệ (nếu có) theo quy định của Pháp luật Việt Nam;
9/ Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Điều 11.- Các tổ chức kinh tế được cấp giấy phép hoạt động quy định tại Điều 8 Nghị định này được cử đại diện ở nước ngoài được quản lý lao động làm việc ngoài nước, tìm hiểu và phát triển thị trường lao động. Bộ máy và biên chế do tổ chức kinh tế quyết định phù hợp với các quy định của Pháp luật Việt Nam.
Chương 4:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 12.- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
1/ Thống nhất quản lý Nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn;
2/ Đàm phán, ký kết các Hiệp định Chính phủ về hợp tác sử dụng lao động với nước ngoài theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ;
3/ Cùng với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các chính sách và chế độ có liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ đó;
4/ Nghiên cứu thị trường lao động ngoài nước, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình việc làm ngoài nước, hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
5/ Căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước để cấp giấy phép cho các tổ chức kinh tế và thu lệ phí cấp giấy phép theo quy định của Chính phủ.
6/ Định kỳ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình lao động Việt Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh;
7/ Đề nghị Bộ Ngoại giao cử người thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lao động trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 13.- Giấy phép nói ở khoản 5 Điều 12 gồm:
1/ Giấy phép hoạt động về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được cấp cho các tổ chức kinh tế quy định tại Điều 8 của Nghị định này. Giấy phép có giá trị 3 năm.
2/ Giấy phép thực hiện hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Giấy phép này chỉ cấp cho các tổ chức kinh tế có giấy phép hoạt động về đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
3/ Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa cá nhân với tổ chức hoặc cá nhân ở nước ngoài phải làm thủ tục thông qua một tổ chức kinh tế có giấy phép hoạt động.
4/ Các tổ chức kinh tế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức nhận thầu, khoán công trình, tự điều hành và trả lương không phải xin gấy phép hoạt động theo khoản 1 nhưng phải xin giấy phép thực hiện hợp đồng theo khoán 2 Điều này.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định Thủ tục cấp giấy phép bảo đảm việc quản lý Nhà nước được chặt chẽ, đơn giản và khẩn trương, phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Điều 14.- Các Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tìm hiểu thị trường lao động; quyết định thành lập các tổ chức kinh tế làm nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật; đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp giấy phép cho các tổ chức này, đồng thời chỉ đạo, theo dõi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển lao động trong ngành hoặc địa phương mình quản lý đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 15.- Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện hợp tác, sử dụng lao động Việt Nam với nước ngoài.
Điều 16.- Bộ Nội vụ chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thống nhất hướng dẫn các thủ tục nhân sự, hộ chiếu, xuất cảnh cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo một quy trình đơn giản, chặt chẽ, bảo đảm nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu về thời gian và theo chức năng của mình chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý người lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.- Tổ chức thực hiện tốt việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ được xem xét khen thưởng; trong trường hợp vi phạm những quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật gây hậu quả xấu thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép, thi hành kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 18.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995. Bãi bỏ Nghị định 370/HĐBT ngày 9 tháng 11 năm 1991 và những quy định trước đây trái với Bộ Luật Lao động và Nghị định này.
Điều 19.- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định này.
Điều 20.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Võ Văn kiệt
(Đã ký)
Xem Thông tư hướng dẫn số 05-LB/TC/LĐTBXH ngày 16/1/1996 và 17-LĐTBXH/TT ngày 24/4/1997
Hãy LIKE page và tham gia Group Facebook để cập nhật tin tức về BHXH:
Page Diễn đàn Bảo hiểm xã hội - Group Diễn đàn Bảo hiểm xã hội
Tham khảo https://vbpl.vn/bolaodong/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=8578