Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách của Đảng và Nhà nước, được triển khai thống nhất toàn quốc từ tháng 01/2008, hướng tới người lao động tự tạo việc làm, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
1. Đối tượng tham gia: Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Cơ quan BHXH, các đại lý thu thực hiện thu BHXH tự nguyện đối với người có hộ khẩu/tạm trú trên địa bàn tỉnh/TP.
2. Mức đóng: người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Mức đóng thấp nhất bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay mức chuẩn hộ nghèo là 700.000 đồng và từ tháng 1/2022 tăng lên 1.500.000 đồng). Mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng).
Mức đóng sẽ bằng 700.000 + (N x 50.000) đồng. Trong đó N là bội số của 50.000)
Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng.
3. Mức hỗ trợ: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng trong thời gian tối đa 10 năm. Mức hỗ trợ được tính căn cứ theo tỷ lệ hỗ trợ trên mức đóng theo mức thấp nhất, cụ thể:
- 30% đối với hộ nghèo;
- 25% đối với hộ cận nghèo;
- 10% cho các đối tượng khác.
4. Phương thức đóng:
- Đóng hằng tháng;
- Đóng 03 tháng một lần;
- Đóng 06 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần;
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
- Thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện:
+ Người đang tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
+ Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã lựa chọn một trong các phương thức đóng nêu trên mà đủ điều kiện đóng một lần cho những năm còn thiếu (đủ tuổi hưởng lương hưu và thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 10 năm) thì được lựa chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi đủ điều kiện mà không phải chờ thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
* Thời điểm đóng BHXH tự nguyện thực hiện như sau:
- Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;
- Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;
- Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;
- Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
- Thời điểm đóng BHXH đối với trường hợp đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu được thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.
- Quá thời điểm đóng BHXH theo quy định mà người tham gia BHXH tự nguyện không đóng BHXH thì được coi là tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng BHXH tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH với cơ quan BHXH. Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng.
5. Thủ tục hồ sơ:
- Lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Trường hợp người tham gia chưa có mã số BHXH thì cung cấp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
6. Quyền lợi được hưởng:
- Được hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH. Cụ thể: Người tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên (bao gồm cả thời gian tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện), đạt 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi với nữ. Từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu tăng 3 tháng mỗi năm cho đến khi đạt 62 tuổi vào năm 2028 đối với nam, tăng 4 tháng mỗi năm cho đến khi đạt 60 tuổi vào năm 2035 đối với nữ. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng đối với người hưởng lương hưu từ năm 2020 trở đi:
Tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
+ Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
+ Lao động nữ nghỉ hưu là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động cả nam và nữ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ khi hưởng chế độ hưu trí với mức quyền lợi 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT;
- Được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia (được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng);
- Lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng.
- Khi người tham gia BHXH tự nguyện qua đời, thân nhân được hưởng chế độ chế độ tuất một lần theo quy định và được hưởng trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) trong trường hợp người đó đã đóng BHXH tự nguyện đủ 5 năm trở lên hoặc trowcs đó đã đóng BHXH bắt buộc đủ 12 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.
Đặc biệt theo Nghị quyết số 28/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, thời gian tới sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Để có một tuổi già thảnh thơi, an vui, hãy tham gia BHXH tự nguyện. Liên hệ với cơ quan BHXH hoặc các đại lý thu BHXH tự nguyện (Bưu điện, Trung tâm y tế, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, UBND các xã, phường, thị trấn) để được hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thủ tục tham gia BHXH tự nguyện.
Hãy LIKE page và tham gia Group Facebook để cập nhật tin tức về BHXH:
Page Diễn đàn Bảo hiểm xã hội - Group Diễn đàn Bảo hiểm xã hội