Sự không phù hợp đến bất công của việc đóng, hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay ở nước ta hiện nay.
Theo quy định về mức đóng (tỷ lệ đóng), mức lương đóng Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN) và mức hưởng, thời gian hưởng Trợ cấp Thất nghiệp (TCTN), BlogBHXH xin phân tích những điểm bất hợp lý đến bất công của quy định về đóng, hưởng TCTN hiện tại dẫn đến sự thâm hụt quỹ cũng như sự không công bằng, gây ra phân hóa khoảng cách giàu nghèo càng cao giữa người hưởng TCTN với nhau và giữa người hưởng TCTN với người lao động đang đi làm như sau:
I. Sự không phù hợp giữa việc đóng, hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thực tế có những lao động hưởng Trợ cấp Thất nghiệp hàng tháng cao gấp nhiều lần người lao động nói chung cũng như những người đã có 15 năm làm việc tại các cơ quan, ban ngành. Vậy lý do là gì?
1. Tỷ lệ đóng và tỷ lệ hưởng quá chênh lệch
Quy định hiện tại về tỷ lệ đóng BHTN bao gồm 1% do người sử dụng lao động đóng, 1% trích từ mức lương đóng BHTN của người lao động và nhà nước hỗ trợ 1%. Như vậy tổng tỷ lệ đóng BHTN là 3%/tháng tương ứng 36%/năm.
Trong khi đó tỷ lệ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức lương bình quân 6 tháng đóng BHTN gần nhất, (gần gấp đôi mức đóng). Đây là sự chênh lệch lớn giữa mức đóng BHTN và mức hưởng TCTN.
2. Mức lương đóng BHTN
Hiện tại theo quy định, mức lương đóng BHTN cao nhất = 20 lần Lương tối thiểu Vùng mà người lao động đang làm việc, do đó mức lương đóng BHTN năm 2021 có thể lên đến 88.400.000 đồng. Do vậy quá chênh lệch so với mức lương Bảo hiểm xã hội (BHXH) với mức trần hiện tại là 20 lần Lương cơ sở = 29.800.000 đồng, gấp gần 3 lần. Do đó dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa tiền TCTN của một bộ phận những người có mức lương cao với đại đa số những lao động khác.
3. Thời gian hưởng TCTN tối thiểu và tối đa
Hiện tại, lao động chỉ cần đóng BHTN tối thiểu 01 năm đến 03 năm, đủ điểu kiện hưởng TCTN là được hưởng tối thiểu 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Qua so sánh thấy, tổng số tiền đóng BHTN đóng từ 0,36 lần đến 1,08 lần lương là đã được hưởng đến 1,8 lần lương đóng BHTN. Đây cũng là sự chênh lệch lớn giữa việc đóng và hưởng.
4. Cách tính mức lương hưởng TCTN
Hiện theo quy định mức lương tính hưởng TCTN = lương bình quân 6 tháng đóng BHTN gần nhất, chứ không theo bình quân của toàn bộ quá trình hay nhiều tháng hơn. Do đó có nhiều trường hợp:
- Người lao động trước đó đóng mức lương BHTN thấp, sau đóng BHTN mức lương cao hơn thì lại được lợi.
- Người lao động trước đó đóng mức lương BHTN cao, sau đóng BHTN mức lương thấp hơn thì lại bị thiệt.
Do đó đây cũng là một sự bất công bằng hoặc có thể là Kẽ hở để trục lợi về Trợ cấp thất nghiệp.
II. Đề xuất phương án để giảm thiểu sự bất công bằng đóng, hưởng thất nghiệp
Để giảm bớt sự bất công bằng và hố ngăn thu nhập trong xã hội, giữa những người hưởng TCTN với nhau cũng như giữa người hưởng TCTN với lao động đang đi làm, chúng tôi nhận thấy và đề xuất các phương án song song như sau:
1. Tỷ lệ đóng BHTN và tỷ lệ hưởng TCTN
Có thể cần tăng thêm tỷ lệ đóng BHTN hoặc giảm tỷ lệ hưởng TCTN.
Giả sử tăng thêm 1% đóng BHTN (chia đều cho đơn vị và người lao động hoặc...) thì tỷ lệ đóng sẽ là 48%/năm sát với mức hưởng TCTN hiện tại là 60%.
2. Mức lương đóng BHTN
Chính mức lương trần đóng BHTN quy định = 20 lần mức lương Tối thiểu vùng hàng năm là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch lớn về mức tiền TCTN giữa các lao động hưởng TCTN.
Do vậy có thể quy định lại mức trần đóng BHTN (theo Lương cơ sở hoặc giảm số tháng Lương tối thiểu vùng) để giảm bớt mức lương tính tiền TCTN theo quy định hiện tại.
3. Điều chỉnh giảm Thời gian hưởng TCTN tối thiểu và tối đa
- Giảm thời gian hưởng TCTN tối thiểu: Qua so sánh ở trên thấy thực tế lao động được hưởng tổng số tiền TCTN gấp tới 3 lần so với tổng số tiền đóng BHTN. Do vậy có thể giảm thời gian hưởng TCTN tối thiểu từ 03 tháng xuống còn 02 tháng.
- Giảm thời gian hưởng TCTN tối đa: hiện người lao động có thể hưởng TCTN tối đa đến 12 tháng. Rõ ràng người lao động bình thường không thể nào cả 1 năm trời không tìm được việc gì để đi làm (không tính đến việc đóng BHXH, BHTN). Thời gian hưởng TCTN quá dài dẫn đến tình trạng "Lười lao động", ỷ lại vào chế độ được hưởng Hoặc lách luật để vừa đi làm (không đóng BHXH, BHTN) vừa hưởng TCTN. Do đó nên giảm thời gian tối đa hưởng TCTN xuống còn 06 tháng hoặc nhỏ hơn. Các trường hợp nghỉ việc bị ốm đau dài ngày, suy giảm sức khỏe ở mức độ nhất định chưa thể tìm việc đi làm trở lại (61% trở lên chẳng hạn)... có thể được hưởng lâu hơn.
4. Cách tính mức lương hưởng TCTN
Có thể chuyển từ tính bình quân 06 tháng cuối sang tính mức lương bình quân 06 tháng cuối đóng BHTN ở đơn vị cuối cùng với bình quân 06 tháng cuối đóng BHTN ở đơn vị liền kề trước đó. Như vậy sẽ tránh được sự làm dụng đóng BHTN cao để hưởng TCTN cao.
5. Mức tiền hưởng TCTN tối thiểu và tối đa
Rõ ràng theo quy định thì những lao động đóng mức thấp sẽ được hưởng thấp và lao động đóng mức cao sẽ được hưởng mức cao. Do đó có những lao động sẽ được hưởng mức tiền TCTN rất thấp và có những lao động lại được hưởng mức tiền TCTN rất cao, gây ra sự chênh lệch lớn, bất hợp lý về "thu nhập"
Vậy nên có thể quy định về mức tiền hưởng TCTN tối thiểu và tối đa để giảm bớt sự chênh lệch bất hợp lý trên:
- Mức tiền TCTN tối thiểu: có thể = 60% mức lương Tối thiểu vùng theo địa bàn đăng ký hưởng TN hoặc lương tối thiểu vùng lớn nhất của của tỉnh đăng ký hưởng TCTN.
- Mức tiền TCTN tối đa: (có thể không quan tâm đến mức lương đóng BHTN) quy định mức hưởng như hiện tại nhưng Giới hạn mức tiền hưởng TCTN tối đa theo được hưởng mức Lương cơ sở (ví dụ: tối đa = 60% x 20 lần Lương cơ sở tại tháng được hưởng TCTN). Hiện tại tiền TCTN tối đa = 5 lần lương tối thiểu vùng cũng là rất cao so với ví dụ trên.
Trên đây là một số quan điểm, ý kiến của BlogBHXH để các độc giả, các nhà hoạch định chính sách xem xét, nghiên cứu, trao đổi.
Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của các bạn!
Hãy LIKE page và tham gia Group Facebook để cập nhật tin tức về BHXH:
Page Diễn đàn Bảo hiểm xã hội - Group Diễn đàn Bảo hiểm xã hội