Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp:
Hãy LIKE page và tham gia Group Facebook để cập nhật tin tức về BHXH:
Page Diễn đàn Bảo hiểm xã hội - Group Diễn đàn Bảo hiểm xã hội
Zalo Diễn đàn BHXH: https://zalo.me/3826406005458141078
Diễn đàn Bảo hiểm xã hội trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Linkedin
Tải mẫu tại đây
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TTBLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH)
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Thông tư này hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP.”
2. Bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào Điều 4 như sau:
“3. Người lao động tại đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy trình tại điểm h khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐCP.
4. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện xác nhận mức đóng, thời gian đóng, thời gian gián đoạn và lý do gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 như sau:
“2. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày, trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.
Ví dụ 4: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 05 tháng, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/5/2022. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau:
Tháng hưởng thứ nhất là từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/01/2022;
Tháng hưởng thứ hai là từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 28/02/2022;
Tháng hưởng thứ ba là từ ngày 01/3/2022 đến hết ngày 31/3/2022;
Tháng hưởng thứ tư là từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 30/4/2022;
Tháng hưởng thứ năm là từ ngày 01/5/2022 đến hết ngày 31/5/2022.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu xác định như sau:
Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu | = | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) | + | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) | + | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) | + | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi người lao động không đến nhận tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) | + | Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (đối với các trường hợp người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng khi giải quyết thì căn cứ thực tế vào thời gian đã đóng, hưởng trợ cấp thất nghiệp) (nếu có) |
a) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị Đ có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 41 tháng, như vậy, nếu bà Đ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 05 tháng.
Ví dụ 6: Bà Nguyễn Thị E có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 150 tháng, như vậy, nếu bà E đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 0 tháng.
b) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu là thời gian đã được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ 7: Ông Phạm Văn E có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 40 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và được bảo lưu 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ông E không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận kết quả, do đó, ông E bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông E là 40 tháng.
c) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu được ghi tại quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm thuộc trường hợp giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã thực hiện thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định nhưng chưa có bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì phải có cam kết thể hiện nội dung về ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết có hiệu lực, lý do chưa cung cấp được bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và nộp bổ sung bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Ví dụ 8: Ông Nguyễn Văn G có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 17 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Ông G đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên và thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm về việc có việc làm ngay trong tháng đó. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông G được bảo lưu là 05 tháng (01 tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp).
Ví dụ 9: Ông Nguyễn Văn H có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 52 tháng; ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp 04 tháng kể từ ngày 02/4/2022 đến ngày 01/8/2022 và được bảo lưu 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Sau tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất, ông H không đến thông báo tìm kiếm việc làm nên bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 02/5/2022. Tuy nhiên, ngày 04/7/2022, ông H thông báo đã có việc làm kể từ ngày 02/7/2022 nên bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, ông H đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp 02 tháng (tháng thứ nhất và tháng thứ tư), tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp 02 tháng (tháng thứ hai và tháng thứ ba) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại Quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông H là 0 tháng (không tính 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã được bảo lưu trong quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Ví dụ 10: Ông Nguyễn Văn K có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 60 tháng; ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp 05 tháng kể từ ngày 18/01/2022 đến ngày 17/06/2022; ông bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 18/03/2022. Tuy nhiên, ngày 25/03/2022, ông K thông báo đã có việc làm kể từ ngày 11/03/2022, do đó, ông K bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 11/03/2022 và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (do ông K không thực hiện thông báo về việc có việc làm trong thời hạn theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 61/2020/NĐ-CP).
d) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Người lao động không đến nhận tiền và không thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ 11: Bà Nguyễn Thị L có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Bà L đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên. Tuy nhiên, sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà L vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai và thứ ba. Như vậy, bà L đã nhận trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà L được bảo lưu là 0 tháng.
Ví dụ 12: Ông Nguyễn Văn M có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 18 tháng; được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng. Ông M chưa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đầu tiên; sau đó, ông M không thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm nên bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai đến hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông M không đến nhận tiền. Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông M được bảo lưu là 12 tháng (tương ứng với 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ông M không đến nhận tiền).
Ví dụ 13: Bà Nguyễn Thị N có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 29 tháng, bà được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Bà N đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ hai và được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ ba. Tuy nhiên, sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà N vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba. Như vậy, bà N đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng và bị tạm dừng 01 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng với 24 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của bà N là 05 tháng.
Ví dụ 13a: Ông Phạm Văn N có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 15 tháng, ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 03 tháng. Ông N đã nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, đã thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm tháng thứ 2 nhưng không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đó. Ông N bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ ba. Sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông N vẫn không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai. Như vậy, ông N đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng (tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của ông N là 03 tháng.
đ) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 tháng trở lên làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung sẽ được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Ví dụ 13b: Ông Nguyễn Văn P có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 42 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và được bảo lưu là 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông P được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 08 tháng thì thời gian này được bảo lưu để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
- Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng làm căn cứ để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung được bảo lưu theo nguyên tắc sau:
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung để bảo lưu | = | Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã xét hưởng trợ cấp thất nghiệp | + | Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp xác nhận bổ sung | - | Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tháng đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp | - | Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng số tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Ví dụ 13c: Ông Nguyễn Văn Q có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 13 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và ông Q đã hưởng đủ 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Q được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 07 tháng. Như vậy, thời gian đã hưởng của ông Q là 03 tháng tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, thực tế ông Q có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 20 tháng cho nên ông Q không được bảo lưu số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được xác nhận bổ sung.
Ví dụ 13d: Ông Nguyễn Văn R có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 25 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng và ông R đã hưởng đủ 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông R được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 15 tháng. Như vậy, thời gian đã hưởng của ông R là 03 tháng tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi thực tế ông R có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 40 tháng nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông R là 04 tháng.
Ví dụ 13đ: Ông Nguyễn Văn S có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 16 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Ông S hưởng trợ cấp thất nghiệp 01 tháng thì có việc làm, do đó, ông bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và được bảo lưu 04 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ông được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, thời gian đã hưởng của ông S là 01 tháng tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi thực tế ông S có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 28 tháng nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông S là 12 tháng (không bao gồm 04 tháng đã được bảo lưu tại quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Ví dụ 13e: Ông Nguyễn Văn T có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 16 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Ông T được hưởng trợ cấp thất nghiệp 02 tháng thì có việc làm, do đó, ông bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và không còn số tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ông được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của Ông T là 28 tháng, Ông T đã hưởng 02 tháng trợ cấp thất nghiệp, tương ứng với 24 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của ông T là 4 tháng.
Ví dụ 13g: Bà Bùi Thị V có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 29 tháng, được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng. Bà V đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ nhất và tháng thứ ba; tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 bà bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp do không thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp bà được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung 08 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, thời gian đã hưởng của bà V là 03 tháng tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi thực tế bà V có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 37 tháng nên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà V là 01 tháng.
2. Đối với các trường hợp tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu.
3. Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ các quyết định liên quan đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và việc xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào Sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 5 Điều 10 như sau:
“3. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;
b) Ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
d) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
đ) Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
e) Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
g) Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở đào tạo nghề nghiệp;
h) Thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 01 tháng;
i) Đi cai nghiện tự nguyện có xác nhận của cơ sở cai nghiện hoặc xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
k) Chuyển nơi hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 5 Điều này.
Người lao động phải thông tin cho trung tâm dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax, ...) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, đồng thời gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu trên chứng minh thuộc trường hợp không phải thông báo trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp gửi theo đường bưu điện thì ngày được coi là đã gửi thông báo là ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.
5. Người lao động thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm trong trường hợp chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
Trường hợp ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng trước ngày người lao động nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến thì người lao động không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm. Người lao động thực hiện việc thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp người lao động đã nhận hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến và không có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa thì thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi.
Trường hợp ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng sau ngày người lao động nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến thì người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều này tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến.
Ví dụ 14: Ông Nguyễn Văn X đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội và có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến Cà Mau. Ngày 10/5/2022, ông X nhận được hồ sơ đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp; ngày 19/5/2022, ông X nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau. Ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ông X đang thực hiện thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày 11-13/5/2022 (trước thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ông X nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp). Do đó, ông X không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Ví dụ 15: Ông Đinh Văn X đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hải Dương và có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến Vĩnh Long. Ngày 10/5/2022, ông X nhận được hồ sơ đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp; ngày 19/5/2022, ông X nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long. Ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ông X đang thực hiện thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày 20-24/5/2022 (trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ông X nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp). Do đó, ông X phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long trong khoảng thời gian từ ngày 20-24/5/2022 theo quy định.
Ví dụ 15a: Bà Nguyễn Thị Y đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Bắc Ninh và có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến Bạc Liêu. Ngày 04/5/2022, bà Y nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu. Ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà bà Y đang thực hiện thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày 25-27/5/2022 (sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp), do đó, bà Y phải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu trong khoảng thời gian từ ngày 25-27/5/2022.”
6. Sửa đổi khoản 4 Điều 12 và bổ sung khoản 7, khoản 8, khoản 9 vào Điều 12 như sau:
“4. Đối với trường hợp người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP, sau 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề nếu người lao động không đến nhận Sổ bảo hiểm xã hội thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của 03 tháng nêu trên, trung tâm dịch vụ việc làm chuyển Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để quản lý.
7. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động khi người lao động đáp ứng đủ các điều kiện hỗ trợ học nghề theo quy định.
Ví dụ 17a: Bà Nguyễn Thị Q hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 04/3/2022 đến 03/6/2022. Ngày 04/4/2022, bà Q nộp Đề nghị hỗ trợ học nghề. Ngày 06/4/2022, bà Q có việc làm. Như vậy, bà Q đã tìm được việc làm trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề nên không đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Việc làm.
Ví dụ 17b: Bà Nguyễn Thị S hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 05/4/2022 đến 04/7/2022. Ngày 06/5/2022, bà S nộp Đề nghị hỗ trợ học nghề tại tỉnh A và đến ngày 22/5/2022 bà S chưa tìm được việc làm. Như vậy, bà S đã đáp ứng đủ các điều kiện hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm nên trong thời hạn từ ngày 23/5/2022 đến ngày 03/6/2022, trung tâm dịch vụ việc làm phải trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh A ban hành Quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho bà S.”
8. Trường hợp người lao động có nhu cầu tham gia khóa đào tạo nghề đang được cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện thì vẫn được hỗ trợ học nghề nếu thời điểm bắt đầu khóa đào tạo nghề tính đến thời điểm ban hành quyết định hỗ trợ học nghề không quá 01 tháng và cơ sở đào tạo nghề nghiệp đảm bảo dạy bù kiến thức của khoảng thời gian trước thời điểm ban hành quyết định hỗ trợ học nghề. Thời điểm người lao động được tính hỗ trợ học nghề là ngày đầu tiên của khóa đào tạo nghề, thời điểm kết thúc là ngày cuối cùng của thời hạn hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 56 Luật Việc làm.
Ví dụ 17c: Ngày 07/3/2022, ông Bùi Minh T đề nghị hỗ trợ học nghề điện dân dụng có thời gian đào tạo 09 tháng tại cơ sở đào tạo nghề nghiệp X; khóa đào tạo nghề này đã bắt đầu từ ngày 01/3/2022 đến ngày 30/11/2022. Ông T đáp ứng đủ các điều kiện về hỗ trợ học nghề tại Điều 55 Luật Việc làm. Ngày 24/3/2022, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định về việc hỗ trợ học nghề đối với ông T với thời gian được hỗ trợ học nghề 06 tháng từ ngày 01/3/2022 đến hết ngày 31/8/2022.”
9. Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại nơi ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 01 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp người lao động đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, người lao động đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề gửi 01 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời, xác định và gửi 01 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.”
7. Sửa đổi và ban hành kèm theo các Mẫu số 01, 02, 03, 05, 06, 07, 08, 10, 12, 13, 16, 22, 23, 24, 34 và 35 của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
8. Bãi bỏ khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
9. Bãi bỏ khoản 1 Điều 12 và đoạn “Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để không thực hiện chi trả tiền hỗ trợ học nghề cho cơ sở dạy nghề; 01 bản đến cơ sở dạy nghề để không thực hiện việc dạy nghề cho người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc hủy quyết định hỗ trợ học nghề thực hiện theo Mẫu số 20 ban hành kèm theo Thông tư này” tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
10. Bãi bỏ Mẫu số 04, 09, 17, 18, 19, 20 của Thông tư số 28/2015/TTBLĐTBXH.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.
2. Các Mẫu giấy tờ là thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính đã được tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
3. Cục trưởng Cục Việc làm, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; |
KT. BỘ TRƯỞNG
(đã ký)
Lê Văn Thanh
|